Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Chuyển nhà ở thương mại thành cho thuê: Sau cho thuê là... bán?

13:39 Ng ày 29/04/2013 GTM +7 bởi Đất Bình Dương Giá Rẻ Bộ Xây dựn... thumbnail 1 summary

13:39 Ngày 29/04/2013 GTM +7 bởi Đất Bình Dương Giá Rẻ
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo thí điểm chuyển đổi nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê với mức giá tối đa 65.000 đồng/m2/tháng tại khu vực đô thị, 35.000 đồng/m2/tháng tại khu công nghiệp. Nhưng sau cho thuê, nhà ở có còn bán được?

Dự thảo hiện có 5 doanh nghiệp thí điểm xin chuyển dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê là các dự án: Bee home 1 và Bee home 2 tại Tp.HCM; Dự án khu nhà ở công nhân, chuyên gia và thương mại dịch vụ Bình Minh tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long); Dự án khu nhà ở và dịch vụ khu công nghiệp Tiên Sơn và Dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh).
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng quản lý nhà ở Bộ Xây dựng cho biết, trong dự thảo Bộ Xây dựng đồng ý cho phép sau 5 năm có thể mua lại nhà ở thuê.

Để thu hút, những doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng dự án nhà ở cho thuê thí điểm. Trường hợp đã nộp được khấu trừ các chi phí phải nộp hoặc được ngân sách địa phương hoàn trả.

Với dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại đô thị để cho thuê, được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm đối với diện tích đất xây dựng dự án nhà ở cho thuê thí điểm. Trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất được khấu trừ dần tiền thuê đất hàng năm đối với khoản tiền sử dụng đất đã nộp.

Ngoài ra, các DN còn được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN là 10%; được vay vốn với lãi suất ưu đãi; được sử dụng nhà ở và công trình xây dựng hình thành từ vốn vay trong phạm vi dự án nhà ở cho thuê thí điểm làm tài sản thế chấp khi vay vốn đầu tư cho dự án đó; được phép bán nhà ở tại dự án nhà ở cho thuê thí điểm sau thời hạn tối thiểu là 5 năm...

Sau cho thuê là…bán?

Dù nhận được nhiều ưu đãi song với mức giá cho thuê 65.000 đồng/m2/tháng tại đô thị và 35.000 đồng/m2/tháng tại khu công nghiệp khiến nhiều người có nhu cầu không khỏi hoài nghi tính khả thi của dự án.

Nhà xã hội tại đô thị mới Việt Hưng, Hà Nội

Chị Hồng Tuyên, nhân viên siêu thị điện máy Topcare, đang sống cùng chồng và con tại căn hộ 30m2 tại Xuân Đỉnh, Tây Hồ với giá thuê 4 triệu đồng/tháng cho biết: “Nếu có căn hộ giá 65.000 đồng/m2 thì riêng tiền thuê nhà, vợ chồng tôi tiết kiệm được một nửa.

Ông Trương Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Cty Him Lam Thủ đô cho rằng: “Hiện, nhiều nhà ở xã hội trên địa bàn được miễn tiền sử dụng đất cùng nhiều ưu đãi nhưng giá bán vẫn cao so với thu nhập của nhiều hộ dân. Với nhà ở cho thuê, nếu không có chính sách đặc biệt thì giá khống chế mà Bộ Xây dựng đưa ra là bài toán khó với nhiều chủ đầu tư với mức giá thuê bị khống chế”, ông nói.

Trao đổi với PV, GS Đặng Hùng Võ lưu ý chủ trương thì tốt nhưng vào thực tế không mấy DN mặn mà tham gia. Hà Nội đã có dự án nhà thuê mua tại Việt Hưng nhưng số lượng quá ít trong khi nhu cầu của người dân về loại hình nhà ở này quá cao.

“Doanh nghiệp làm nhà muốn thu hồi vốn sớm. Những dự án cho thuê mua mất 20 năm mới thu hồi được vốn chưa kể chi phí khấu hao. Hiện chỉ có những doanh nghiệp quá khó khăn đầu ra mới xin chuyển đổi”, ông Võ nói.

Theo Cục quản lý Nhà ở và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn cả nước tồn kho chủ yếu là nhà ở thương mại. Việc khuyến khích chuyển đổi dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán sang phương thức cho thuê là giải pháp nhằm tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
(Theo Tiền phong)

Phân Tích : Dỡ bỏ rào cản thủ tục cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

24/04/2013 10:00 GTM +7 bởi Đất Bình Dương Giá Rẻ

Khẳng định nguồn cung cho thị trường người nước ngoài mua nhà là không thiếu, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà hiện nay là cần thiết và có lợi cho nền kinh tế.

Ông Vũ Quang Hội, chủ tịch Bitexco, cho biết nhu cầu người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại VN hiện nay là rất lớn, đặc biệt là số lượng người Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ngại thủ tục
"Không chỉ trong phân khúc trung cấp và cao cấp mà ngay cả trong các sản phẩm trung bình cũng thu hút nhu cầu của người nước ngoài. Vấn đề là cởi mở trong chính sách để cung cầu có thể gặp nhau"

Ông Lê Chí Hiếu (tổng giám đốc Thủ Đức House)

Hiện nay các dự án căn hộ cao cấp của Bitexco đều hướng đến phân khúc của những người có ý định ở VN lâu dài, phần đông họ là các tổng giám đốc và chuyên gia cao cấp đến từ nhiều nước. Tuy nhiên theo ông Hội, phần lớn những người có nhu cầu thực này dù có đủ điều kiện mua nhà cũng ngại khi thủ tục quá nhiêu khê, mất thời gian, và giải pháp họ đưa ra là nhờ người Việt đứng tên. “Chúng tôi có căn hộ tiêu chuẩn tại một số khách sạn lớn ở các khu trung tâm của Tp.HCM và một số sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu khách quốc tế. Khi họ đến xem nhà rất hài lòng nhưng tới khâu pháp lý, thủ tục họ lại chần chừ... Bản thân doanh nghiệp chúng tôi khi thực hiện thí điểm gặp rất nhiều rào cản và thủ tục quá nhiều làm những người nước ngoài có đủ điều kiện cũng không muốn mua” - ông Hội cho hay.

Đồng quan điểm đó, ông Phan Thành Huy, tổng giám đốc Novaland, cho rằng đây là thời điểm thích hợp để mạnh dạn mở rộng các đối tượng cũng như các loại sản phẩm cho người nước ngoài được mua. Trước đây chúng ta chỉ giới hạn trong căn hộ, giờ nên mở rộng ra cả nhà đất. “Hiện nay khách hàng của chúng tôi ngay cả những người đáp ứng đủ điều kiện rồi nhưng khi làm thủ tục còn gặp rườm rà, phức tạp. Ví dụ như đi hợp thức hóa lãnh sự, công chứng... mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, sau khi đứng tên họ lại không được thế chấp, không được sở hữu như người Việt nên cũng e ngại” - ông Huy nói. Theo Novaland, hiện đơn vị này đang có các căn hộ từ trung tới cao cấp và sắp tới là các sản phẩm nhà phố và biệt thự.

Trong khi đó, theo ông Phùng Chu Cường - tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Phú Long, đối với các dự án Phú Long đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như khu biệt thự cao cấp Kim Long, biệt thự thương mại Ngân Long... thì đối tượng khách hàng tìm thuê là các chuyên gia, người nước ngoài, Việt kiều sống, làm việc tại Tp.HCM và các vùng lân cận khá nhiều. Trong đó, một số dự án căn hộ cao cấp của công ty này đã tiếp nhận nhiều cư dân, chuyên gia nước ngoài, Việt kiều thuê mua.

“Cởi trói” chính sách

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, một thực tế hiện nay là số người mua nhà lên đến hàng chục ngàn người nhưng việc sở hữu nhà của họ lại qua trung gian người Việt. Nếu chúng ta mở rộng được thì cầu thị trường cũng được tháo gỡ, tạo lối thoát cho rất nhiều sản phẩm căn hộ trung cấp và cao cấp. Và để làm được điều này cần đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà sẽ có tác động tới thị trường bất động sản, đặc biệt ở phân khúc trung và cao cấp.

Ông Cao Sỹ Kiêm (đại biểu Quốc hội, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước) nói việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà là hợp lý vì vừa giải quyết được nhu cầu của khách hàng, vừa là cơ sở để giải quyết thị trường lành mạnh và đúng hướng. Đây cũng là cơ hội mở rộng vốn và thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều này các nước đã làm rồi và đòi hỏi thực tế của đất nước mình hiện nay là rất hợp lý. “Mặc dù thời gian qua mình thận trọng thí điểm, nhưng qua năm năm thí điểm thì những người đã mua được họ rất yên tâm và sử dụng tốt. Vấn đề hiện nay là dù đã có chủ trương nhưng hướng dẫn của ta không đầy đủ và thiếu rõ ràng, không thuận tiện cho người mua nhà” - ông Kiêm nói.

Ông Kiêm cho rằng đã đến lúc nên sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan để luật hóa việc người nước ngoài được mua nhà để ở tại VN, điều này nâng tầm tính pháp lý của vấn đề nhằm tạo ra sự ổn định và yên tâm cho đối tượng mua nhà. Theo một chuyên gia bất động sản, việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà chắc chắn sẽ tác động lên thị trường bất động sản, khiến thị trường sôi động hơn, khả năng giải quyết, huy động vốn vào lĩnh vực này tốt hơn.

Trong một diễn biến mới nhất, Chính phủ thông qua nghị quyết 48 yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương đề xuất phương án sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua, sở hữu nhà ở đối với người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại VN. Trước đó, phía Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Kế hoạch - đầu tư có kiến nghị Chính phủ mở rộng các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại VN.
Các nước đã làm từ lâu

Hiện nay chính sách của nhiều nước trên thế giới tương đối giống nhau trong việc cho người nước ngoài mua nhà, đó là người nước ngoài có thể mua nhà nhưng không được phép mua nhà ở xã hội - nhà ở có trợ giá của Chính phủ.

Ví dụ tại Singapore, quá trình cho người nước ngoài mua nhà được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 chỉ cho người nước ngoài mua căn hộ, giai đoạn 2 được mua căn hộ, biệt thự và nhà gắn liền với đất tại những khu quy hoạch. Hay tại các nước lân cận như Campuchia, Myanmar, Thái Lan... việc người nước ngoài có thể sở hữu nhà cũng đã được thực hiện nhiều năm nay.
(Theo TTO)

Thị Trường : Tổng giám đốc Trường Hải bỏ ôtô đi kinh doanh BĐS

28/04/2013 10:27 GTM +7 bởi Đất Bình Dương Giá Rẻ ... thumbnail 1 summary
28/04/2013 10:27 GTM +7 bởi Đất Bình Dương Giá Rẻ

Sau khi rời khỏi vị trí cũ tại hãng ô tô Trường Hải, Cựu Tổng giám đốc Trường Hải Trần Bá Dương đã chuyển sang vai trò tương tự ở Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.

Theo thông báo của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) ngày 26/4, ông Dương thôi vai trò Tổng giám đốc nhưng vẫn là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Cùng ngày, ông xuất hiện trong lễ khởi công dự án khu dân cư thấp tầng và triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tp.HCM, của Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh.Dự án có diện tích hơn 37 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng. Cùng ngày,

Triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM ngày 26/4. Ảnh: Saigon Times

Đại Quang Minh có sự tham gia góp vốn của Thaco. Từ lâu trên trang web của Thaco đã có mục liên quan tới các dự án đất đai. Mỗi khi mở đại lý mới, Thaco cũng thích thuê lâu dài hoặc mua luôn khu đất hơn là tìm đối tác. Ngoài ra, Thaco còn quan tâm tới lĩnh vực vận tải biển (chiếc tàu chở hơn 60 xe Kia bị chìm ở Vũng Tàu hồi tháng 4 năm ngoái là của chính công ty), đầu tư vào khu công nghiệp, nhà máy sản xuất ghế và dây điện, nhà máy sản xuất keo và hoá chất, xây dựng cảng Tam Hiệp ở Quảng Nam.

Bất động sản là ngành kinh doanh khó khăn nhất hiện nay khi thị trường đóng băng, giá nhà liên tục giảm mà chưa tới đáy. Số doanh nghiệp phá sản không ngừng tăng lên, nhiều “đại gia” khác như Hoàng Anh Gia Lai giờ chuyển hướng sang trồng cao su và mía. Quyết định đầu tư của Thaco ở thời điểm này là táo bạo hay liều lĩnh, điều đó thời gian sẽ trả lời.
(Theo SM)

Thị Trường : Lừa bán đất chiếm đoạt tiền tỷ, quý bà thành đạt Tuyết Nga bị bắt

28/04/2013 09:54 GTM +7 bởi Đất Bình Dương Giá Rẻ ... thumbnail 1 summary
28/04/2013 09:54 GTM +7 bởi Đất Bình Dương Giá Rẻ

Hôm qua (chiều 27/4), Cục Điều tra hình sự, VKS nhân dân tối cao đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc của bà Trương Thị Tuyết Nga về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bà Trương Thị Tuyết Nga (52 tuổi, người đoạt giải Quý bà thành đạt năm 2009) hiện là  tổng giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh, Q.Gò Vấp, Tp.HCM.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tháng 10-2012 quý bà thành đạt Trương Thị Tuyết Nga bị bà D.M.L. (ngụ Q.3, Tp.HCM) tố cáo tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao việc bà Nga lừa đảo chiếm đoạt của bà L. số tiền tương đương 3,1 triệu USD, thông qua việc ký hợp đồng ghi nhớ chuyển nhượng quyền sử dụng một lô đất 30.000m2 tại P.Bình Khánh, Q.2.

Đọc quyết định khởi tố

Mục đích của việc chuyển nhượng này là để bà L. thực hiện dự án đầu tư xây dựng căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại với tổng giá trị tới 54 triệu USD, tuy nhiên bà Nga đã lừa đảo bà L. chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên, ngoài ra còn chiếm đoạt của một số người khác nhiều tỉ đồng.

Một lô đất bán cho nhiều người
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết trong vụ việc này, bị hại D.M.L. đã có đơn gửi văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44). Tuy nhiên sau khi xác minh đơn, cơ quan này không xử lý hành vi tội phạm của bà Trương Thị Tuyết Nga là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam để giao Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra theo thẩm quyền.

G.M. - M.Q.

Sau khi xác minh đơn tố cáo, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định: tháng 12/2007 và tháng 1/2008, bà Trương Thị Tuyết Nga và bà D.M.L. ký hợp đồng và bản ghi nhớ chuyển nhượng lô đất trên. Theo hợp đồng và bản ghi nhớ, bà D.M.L. đặt cọc 2 triệu USD cho bà Nga với thỏa thuận trong 18 tháng (kể từ ngày ký hợp đồng và bản ghi nhớ), bà Nga có trách nhiệm xin được giấy phép đầu tư xây dựng căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại tại khu đất này chuyển cho bà L. và làm thủ tục pháp lý sang tên cho bà L. toàn bộ diện tích đất như trên.

Nếu quá thời gian thỏa thuận, bà Nga không thực hiện được các điều kiện nêu trên phải trả lại 2 triệu USD tiền cọc và bồi thường thêm 2 triệu USD cho bà L.. Trong hợp đồng, hai bên đã ghi rõ bà Nga không được chào bán, cầm cố, sang nhượng, thế chấp hoặc góp vốn hợp tác kinh doanh... diện tích đã thỏa thuận khi chưa được sự đồng ý của bà L..

Sau khi nhận 2 triệu USD đặt cọc, bà Nga giao cho bà L. bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên năm người, tổng cộng được 16.000m2 tại địa điểm thỏa thuận.

Dù giao cho bà L. các giấy chứng nhận này nhưng chỉ một ngày sau khi ký hợp đồng, bản ghi nhớ với bà L., bà Nga cùng chồng là ông Vũ Văn Hải tiếp tục ký hợp đồng bán cho ông T.V.M. hơn 2.900m2 đất nằm trong số đất thỏa thuận với bà L. để lấy 1,45 tỉ đồng.

Phần đất vợ chồng bà Nga bán cho ông T.V.M. đã bị UBND Q.2 từ chối tách thửa, cấp chủ quyền do nằm trong khu quy hoạch ga Thủ Thiêm, không được mua bán, chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên khu đất này. Do không tách thửa, sang tên được, vợ chồng bà Nga làm giấy ủy quyền cho ông T.V.M. có toàn quyền quyết định như chủ sử dụng lô đất này (có chứng thực của phòng công chứng).
(Theo Tuổi trẻ)

Thị Trường : Nhà Siêu Mỏng Tái Xuất

27/04/2013 11:26 GTM +7 bởi Đất Bình Dương Giá Rẻ ... thumbnail 1 summary
27/04/2013 11:26 GTM +7 bởi Đất Bình Dương Giá Rẻ

Trong khi việc “gỡ” nhà siêu mỏng tiếp tục cần “gia hạn” thì không ít những ngôi nhà dị dạng vẫn tiếp tục mọc lên.

Cuối tháng 12/2010, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ra Chỉ thị về công tác tăng cường bảo đảm trật tự xây dựng, yêu cầu các địa phương phải kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm việc xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo.

Tuy nhiên, sau mỗi dự án làm mới, mở rộng các tuyến đường hàng loạt ngôi nhà dị dạng lại đua nhau “tái suất”. Những mái nhà cao lênh khênh nhìn từ xa chỉ như cái trụ cột điểm trên đường Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn…

Xuôi theo hướng Nhổn trên tuyến đường 32 hình ảnh những ngôi nhà có diện tích chưa đến 10m2 đứng chen nhau cũng không phải là hiếm.

Tại khu Xuân Đỉnh (Từ Liêm – Hà Nội) sau quy hoạch những dự án chung cư, khu đô thị những ngôi nhà siêu mỏng cũng đua nhau “tái xuất”. Nhiều ngôi nhà chỉ vài m2 nhưng được xây chênh vênh lên đến 5 – 6 tầng.

Bài toán “gỡ” nhà siêu méo, siêu mỏng đã trở thành chuyện nóng trong suốt 7 – 8 năm qua nhưng đến nay TP vẫn ghi sổ “nợ” 208 trường hợp và “khất” đến hết quý II/2013 sẽ hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện tiếp tục xử lý các nhà mỏng, méo còn lại. Trong khi rối vẫn đang phải gỡ nợ cũ thì sự tái xuất của những ngôi nhà dị dạng có lẽ sẽ còn khiến các sở ngành đau đầu. Nếu không có sự quản lý siết chặt từ bây giờ liệu điệp khúc gỡ rồi nợ có tiếp tục vang lên?

Sau quy hoạch nhiều dự án khu Xuân Đỉnh (Từ Liêm - Hà Nội) có sự lột xác
 
Điểm vào quy hoạch mới là những ngôi nhà cao lênh khênh
 
Sự tái xuất của những ngôi nhà siêu mỏng liệu điệp khúc gỡ rồi nợ có tiếp tục vang lên?
 
(Theo Vietnamnet)

Sống sót cùng bất động sản bằng cách nào?

Thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn còn rất nhiều ... thumbnail 1 summary

Thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước. Nhưng đây cũng là thời gian thích hợp để các doanh nghiệp (DN) nhìn lại, không ít DN tìm cách tháo chạy, những ai còn lại cũng phải thay tư duy để tự cứu lấy mình và có thể sống lâu dài với BĐS.

Từ bỏ giấc mơ

Cơn sốt giá nhà và lợi nhuận khủng từ kinh doanh BĐS đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp đã đổ xô vào đầu tư phát triển BĐS mà không có những tính toán lâu dài, thậm chí ở một số DN với dự án "tay không bắt giặc".

Thị trường BĐS đang diễn ra cuộc sàng lọc lớn, những DN không có chức năng chính là kinh doanh BĐS đã và đang thoái vốn khỏi lĩnh vực này, các DN khác buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Bộ Xây dựng vừa có quyết định tái cấu trúc lại Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) giai đoạn 2012 đến 2015. Trong đó có yêu cầu Lilama rút khỏi ngành nghề BĐS. Đơn vị này sẽ tập trung vào lĩnh vực xây lắp, chế tạo, vốn là lĩnh vực hoạt động truyền thống, chứ không phải là lĩnh vực BĐS.


Ngay cả đại gia lớn như Vinaconex cũng phải dừng cuộc chơi. Vừa hoàn tất chuyển nhượng cổ phần tại Vinaconex Hoàng Thành, Vinaconex đã chính thức rút khỏi siêu dự án ParkCity đang "đắp chiếu" hàng năm trời. Đơn vị này cũng đang ráo riết tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng cổ phần tại dự án Spendora Trước đó, Vinaconex cũng đã thoái phần lớn vốn tại một số đơn vị thành viên khác có liên quan đến BĐS và xây dựng.

Theo Vinaconex, nguyên nhân của việc thoái vốn để "tái cơ cấu danh mục đầu tư" của Tổng công ty. Tuy nhiên, nhìn vào cách thoái của "đại gia" này đủ biết họ đã khốn khổ như thế nào khi đầu tư dàn trải, đặc biệt là vốn đổ vào BĐS.

Trước Vinaconex thì đã có không ít tập đoàn tên tuổi khác cũng đã vội vã tiến hành thoái sạch vốn khỏi sân chơi BĐS như Kinh Đô, Hoa Sen, Sơn Hà,...

Tình trạng này cũng đã không phải là quá hiếm với các nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ BĐS của VinaCapital cho biết, trong thời gian tới sẽ không đầu tư vào dự án mới mà sẽ rút vốn, nâng cao lợi nhuận và hoàn vốn cho nhà đầu tư. Thời gian qua, quỹ cũng đã thoái vốn hoàn toàn tại 10 dự án và thoái vốn một phần tại một dự án khác hơn 357,6 triệu USD đã được đầu tư vào các lĩnh vực chính, gồm cả các dự án mới, dự án đình trệ và các tài sản đang khai thác.

Sống lâu dài với bất động sản

Do quá khó khăn về nguồn vốn, năm 2012, nhiều doanh nghiệp BĐS phải co cụm hoạt động, những đồng vốn ít ỏi của doanh nghiệp được sử dụng đầy tính toán. Có doanh nghiệp tạm dừng nhiều dự án BĐS để tập trung nguồn vốn vào một dự án trọng điểm hoặc lĩnh vực trọng tâm của mình.

Thị trường BĐS trong năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn, trong kế hoạch tài chính của nhiều doanh nghiệp, việc dừng dự án hoặc bán một phần hay bán toàn bộ một dự án BĐS để cân đối nguồn tài chính sẽ được tính đến. Thậm chí, vì khó khăn, một số công ty phải chấp nhận ảnh hưởng tới thương hiệu, hạ bớt uy tín để giãn tiến độ dự án, chờ thời điểm kinh tế Việt Nam và thị trường BĐS bớt khó khăn.

Gần đây ông Lê Đức Hải, chủ tịch của INT cũng thừa nhận: "Gia đình tôi cũng chuyển đến sống ngay tại công trường, con tôi chuyển từ trường quốc tế đến trường làng. Bản thân tôi trực tiếp tham gia điều hành, loại bỏ nhiều khâu trung gian, trực tiếp cơ cấu các khoản nợ, trực tiếp có mặt tại công trường, trực tiếp gặp gỡ khách hàng, lắng nghe ý kiến đóng góp, hoàn thiện sản phẩm, cùng tháo gỡ khó khăn về tài chính".


Nhìn nhận về thị trường BĐS trong suốt quá trình "hồi sinh" sau cú sốc 2005 đến giai đoạn ngủ đông như hiện nay, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch hội đồng quản trị Reenco Sông Hồng cho rằng, thị trường thực ra mới chỉ ở giai đoạn sơ khai nên khó tránh khỏi những vấp ngã. Bài học xương máu của các nhà đầu tư địa ốc sau trào lưu "nhà nhà đi buôn BĐS", gây hỗn loạn thị trường với những cơn sốt ảo còn đó...

"Tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường BĐS Việt Nam 'vấp ngã ở tuổi 20', giống như một người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm là điều hết sức bình thường. Có khi chính sự 'vấp ngã' này lại là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, cấu trúc lại doanh nghiệp để vượt qua khó khăn," ông trầm ngâm nói.

Tình hình thực tế cho thấy, các doanh nghiệp BĐS đang thiếu vốn trầm trọng và lỗ hàng trăm tỷ đồng sau khi thị trường "đóng băng." Tuy nhiên, trong khó khăn lại là cơ hội để tái cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp, buộc DN phải thích nghi với sự thay đổi để tồn tại. Theo nhận định của các nhà quản lý, đây là thời điểm cho thấy DN nào có thể thực sự phát triển bền vững. Muốn vậy, bản thân các DN cần có sự đánh giá lại chính mình, kiểm tra lại năng lực của mình để có sự thay đổi phù hợp.

Ông Trần Ngọc Quang, chuyên gia BĐS cho biết, nhiều DN cứ nhắc đến tái cấu trúc là nghĩ rằng DN đó có vấn đề. Thực ra việc tái cấu trúc là rất cần thiết để nâng cao sức khỏe DN. "Chúng ta đang hướng tới sự chuyên nghiệp chứ chưa có sự chuyên nghiệp. Như việc đánh giá thị trường thì phải tiến hành khảo sát trên quy mô rộng, rất tốn kém. Nhưng hiện nay chúng ta chủ yếu đánh giá trên các con số thống kê, đánh giá một cách đơn thuần, rất khó xác định chính xác hướng đi của thị trường. Người làm kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực BĐS cần phải nắm rõ được thị trường, để từ đó có thể khai thác thị trường một cách hiệu quả", ông Quang cho hay.

Bên cạnh đó, "liều thuốc" tăng năng lực cạnh tranh, tồn tại và phát triển cũng sẽ khiến doanh nghiệp phải triển khai nhiều giải pháp cho "căn bệnh" đói vốn, mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư tư nhân, tìm kiếm đối tác chiến lược, huy động vốn thông qua việc phát hành các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.
(Theo VEF)

Khóc dở mếu dở vì mua nhà qua “cò”

Xem hàng chục căn nhà, tiếp xúc với cả chục “cò” nhà đất,... thumbnail 1 summary

Xem hàng chục căn nhà, tiếp xúc với cả chục “cò” nhà đất, tôi đã nhanh chóng rút ra bài học khi đi mua nhà: Đừng vội tin “cò”.

Để tìm mua cho người quen căn nhà vừa ở vừa kinh doanh, tôi tìm thông tin rao bán nhà trên mạng và đánh dấu, ghi chép lại những địa chỉ bán nhà phù hợp với túi tiền người quen. Nhưng khi tiếp cận mới vỡ lẽ sự thật khác rất xa so với quảng cáo.

Khi mua nhà chung cư nên chọn dự án đã hoàn thiện sẽ hạn chế rủi ro.


Giấc mơ… nhà mặt tiền

Trên một trang web chuyên rao bán nhà đất, click vào mục địa ốc, chọn quận Gò Vấp - Tp.HCM, chúng tôi bị  hấp dẫn ngay căn nhà được giới thiệu “MT (mặt tiền) Hạnh Thông Tây, kế trường cấp 1, cấp 2, diện tích 128 m2, khu dân cư ổn định, sổ hồng, chính chủ, giá 1,8 tỉ đồng…”.

Chiều 12/4, tôi hẹn người môi giới (tên Hạnh) đi xem. Khi đến cổng chợ Hạnh Thông Tây, Hạnh ngoắt tay ra hiệu chạy xe vào một con hẻm đối diện chợ. Lúc này chúng tôi đã hơi thất vọng vì căn nhà đang đi xem không phải “mặt tiền” như quảng cáo nhưng đã lỡ đi thì vào tận nơi xem sao. Chạy trong con hẻm lớn chừng 1 km, lại rẽ tiếp vào một hẻm nhỏ chỉ đủ 2 xe máy tránh nhau.

Cứ tưởng đến thế là cùng nhưng không, Hạnh liên tục cho xe rẽ trái, rẽ phải như lạc vào “mê hồn trận” rồi dừng trước một căn nhà cấp 4. Tôi hỏi: Thế này mà là mặt tiền sao; trường cấp 1, cấp 2 đâu? “Cò” Hạnh thản nhiên: Dự kiến hẻm này sẽ được mở rộng 12 m, sau lưng căn nhà là một dự án lớn, họ sẽ xây ở đây trường học cấp 1, 2…

Chia tay với căn nhà “mặt tiền Hạnh Thông Tây”, chúng tôi đi xem một căn nhà rao giá gần 2 tỉ  đồng: “MT Phú Xuân huyện Nhà Bè, nhà có sẵn 4 phòng trọ…”. Rao như vậy nhưng khi hẹn đi xem người môi giới lại yêu cầu đứng đợi ở giao lộ đường Huỳnh Tấn Phát và đường vào Kho C của Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè. Sau cả giờ chờ, người môi giới mới đến và dẫn sâu vào đường Kho C, rồi rẽ phải, rẽ trái, đi tiếp qua 1 cây cầu sắt nhỏ đến khu dân cư chỉ mươi căn nhà cấp 4 ẩm thấp, hoang tàn.

Tôi thắc mắc: Đường này sao gọi là MT Phú Xuân? Người môi giới trả lời tỉnh bơ: “Cả khu vực này là Phú Xuân, hẻm này tương lai sẽ là mặt tiền, khu này đã quy hoạch đàng hoàng”. Người môi giới tiếp tục “nổ”:  “Bên trái sắp tới sẽ là siêu thị, bên phải sẽ là bệnh viện lớn nhất TP” Đến đây thì chúng tôi quá thất vọng, vội quay xe đi thẳng mà không cần trả giá hay xem bất cứ giấy tờ gì...

Quả đắng nhà dự án

Chị Phương Dung (nhà ở quận Tân Bình - Tp.HCM) kể: Do lần đầu mua nhà, chưa có kinh nghiệm nên đã tin “cò” và vớ “quả đắng”. Thấy giá nhà đã giảm nên chị quyết định rút toàn bộ số tiền tiết kiệm gần 700 triệu đồng tìm mua một căn hộ, chấm dứt cảnh thuê nhà. Qua môi giới, chị tìm được một căn hộ hơn 50 m2 trong một dự án sắp hoàn thiện thuộc quận 6.

Lúc đầu vợ chồng chị có chút phân vân vì thấy dự án mới xong phần thô. Nhưng người môi giới quả quyết dự án này đang “nóng” và đã kín chỗ, chỉ vài căn chủ cũ kẹt tiền nên bán lại, nếu không mua nhanh sẽ mất cơ hội. Còn thời gian giao nhà lâu nhất cũng chỉ 4 tháng…
Thế là chị Dung quyết định mua. Lúc đi làm thủ tục sang tên hợp đồng, chị Dung mới tá hỏa khi biết dự án đã ngưng xây dựng gần 2 năm nay và chưa biết khi nào xây tiếp vì đang… kẹt vốn. Chủ cũ lỡ mua, chờ hoài không có nhà, nên nhờ “cò” bán lại chấp nhận lỗ. Thế là vợ chồng chị Dung “ôm xô”…

Về phần mình, không mua được nhà phố, chúng tôi chuyển sang tìm mua đất dự án. Tại khu vực huyện Nhà Bè, nơi có rất nhiều dự án địa ốc đang được rao bán rất hấp dẫn. Chẳng hạn khu dân cư TScity nằm trên đường Phạm Hữu Lầu, được quảng cáo là “cách Phú Mỹ Hưng 4 km, chợ Bến Thành 8 km, đầy đủ các tiện ích công cộng như trường học, công viên, siêu thị…”.

Tuy nhiên, khi đến tận nơi người mua chứng kiến chỉ là khu đất trống với 2 con đường đang thi công dang dở, mọi tiện ích vẫn còn… trên giấy. Hơn nữa, nếu từ đây đến Phú Mỹ Hưng và chợ Bến Thành chỉ 4 và 8 km thì có nước... bay chứ đi bằng đường bộ có sẵn phải cộng thêm ít nhất 3 lần.

Tương tự là dự án Nam Sài Gòn R.V.S trên đường Lê Văn Lương đang rao bán “tuyệt đẹp, đầy đủ hạ tầng, chỉ còn vài lô…”. Thế nhưng, “mục sở thị” chỉ là bãi đất hoang cỏ mọc lút đầu người, một con đường trải đá dang dở và chiếc xe ủi nằm chỏng chơ không biết từ năm nào…

Theo một chuyên gia về địa ốc, tất cả các dự án khu dân cư bắt buộc chủ đầu tư phải quy hoạch đường sá, công viên, trường học, siêu thị… nhưng những tiện ích này hầu như chỉ nằm trên bản vẽ. Trong thời buổi địa ốc đang rơi xuống tận đáy như hiện nay hiếm có doanh nghiệp nào có tiền để hoàn tất các hạng mục này nên người mua phải tỉnh táo, nếu không rất dễ rơi vào “bẫy”...

Thông tin ảo, hình ảnh giả

Nhiều căn nhà rao bán hiện nay thường kèm hình ảnh để thu hút người mua. Chúng tôi cũng đã bị lừa về một căn nhà rao bán dạng này. Đó là một căn nhà trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8 - Tp.HCM, giá bán 1,7 tỉ đồng với “diện tích sử dụng 98 m2, hẻm xe hơi…” kèm hình ảnh căn nhà tuyệt đẹp với nội thất thiết kế phong cách châu Âu. Rao là vậy nhưng khi xem thực tế thì chỉ là căn nhà cấp 3 cũ kỹ nằm trong hẻm nhỏ chừng 2 m. Hỏi ra mới biết hình ảnh nội thất “phong cách châu Âu” là của một căn nhà khác được photocopy lại đưa lên cho hấp dẫn.
 
(Theo NLĐ)

Tin tức, dự án BĐS nổi bật tuần từ 22/4 đến 27/4

Cấp sổ đỏ cho chung chư mini; Đất không giấy tờ vẫn được xem xét cấp sổ đỏ; Lượng vốn FDI đổ vào BĐS vẫn rất lớn; Dự án chuyển đổi sang n... thumbnail 1 summary

Cấp sổ đỏ cho chung chư mini; Đất không giấy tờ vẫn được xem xét cấp sổ đỏ; Lượng vốn FDI đổ vào BĐS vẫn rất lớn; Dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại Tp.HCM có giá cao nhất là 11 triệu đồng/m2...là những tin tức đáng chú ý của thị trường BĐS tuần cuối tháng 4.

Tin tức BĐS nổi bật:

- Tp.HCM: Cao nhất 11 triệu đồng/m2 cho nhà xã hội: Theo thông tin mới nhất, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ lấy giá dự án nhà ở xã hội 157/R8 Tô Hiến Thành khoảng 11 triệu đồng/m2 làm giá tối đa cho các dự án chuyển đổi. UBND cũng đã chỉ đạo, cần linh hoạt trong từng dự án về giá bán, có thể không nhất thiết dự án nào cũng 12triệu/m2 mà có thể thấp hơn nữa thì càng kích cầu loại hình nhà ở này.

- Tp.HCM: Thị trường VP cho thuê ấm trở lại: Tại buổi trình bày tổng quan thị trường văn phòng Tp.HCM ngày 23/4, ông Greg Ohan, Giám đốc bộ phận văn phòng cho thuê của CB Richard Ellis Vietnam (CBRE), cho biết diện tích thực thuê văn phòng hạng A và B đã cải thiện đáng kể trong quí 1/2013, đạt gần 32.000 m2, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2012.

Ảnh minh họa

- Chung cư mini chính thức được cấp sổ đỏ: Ngày 24/4/2013, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 13 quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động về sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài trên địa bàn thành phố. Theo đó, chung cư mini có Giấy phép xây dựng, đảm bảo quy chuẩn xây dựng và quy hoạch 1/500 được duyệt thì được cấp Giấy chứng nhận với hình thức sử dụng đất là sử dụng chung.

- Hà Nội: Đất không giấy tờ vẫn xét cấp “sổ đỏ”: Ngày 25/4, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định mới, theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (từ 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004) mà không có giấy tờ vẫn được xem xét cấp “sổ đỏ”. Cán bộ, công nhân viên được cơ quan, tổ chức giao đất làm nhà ở trước ngày 1/7/2004 cũng được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tin tức dự án BĐS nổi bật:

- Dự án Sovrano Plaza được chuyển thành nhà ở xã hội: HQC- chủ đầu tư dự án cho biết, sau khi được Bộ Xây dựng chấp thuận, dự án Sovrano Plaza của Công ty đã được phép chuyển công năng từ dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội với tên goi mới HQC Plaza.

- KĐTM Nam Vĩnh Yên được "rót" thêm vốn: Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) vừa công bố nghị quyết đại hội cổ đông bất thường về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho công ty từ 1.430 tỷ đồng lên 1.560 tỷ đồng. Theo đó, DIC Corp sẽ phát hành 13 triệu cổ phần dành cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Thời gian phát hành dự kiến vào quý 2 và quý 3/2013.

- Sudico phải bán một phần dự án Nam An Khánh để... trả nợ: Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà - Sudico đang đàm phán với đối tác nước ngoài để bán khu đất tại dự án Nam An Khánh. Dự kiến nguồn thu 1.000 tỷ đồng từ việc bán dự án dùng để trả nợ và bù lỗ lũy kế.

- Khai trương khách sạn 4 sao tại Bình Dương: Tối ngày 24/4, khách sạn Becamex Hotel chính thức khai trương tại TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương). Tọa lạc tại trung tâm đô thị Becamex City Center, với khu vực kinh doanh thương mại dịch vụ sầm uất và hiện đại nhất tại Bình Dương, Becamex Hotel vừa có chức năng của một khách sạn, vừa là khu căn hộ, với chiều cao 18 tầng, bao gồm 180 căn hộ.
(Theo TTVN)

 

Tổng kết thị trường BĐS tháng 4/2013: Tâm lý người mua đã được cải thiện

Khảo sát của bộ phận nghiên cứu thị trường Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 4, nhiều khách hàng đã chính thức quay trở lại tham gi... thumbnail 1 summary

Khảo sát của bộ phận nghiên cứu thị trường Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 4, nhiều khách hàng đã chính thức quay trở lại tham gia vào thị trường, lượng giao dịch thành công tiếp tục tăng so với các tháng trước. 

Sau một thời gian dài nghe ngóng, chờ đợi, nhận thấy mặt bằng giá thị trường bắt đầu đi vào ổn định hơn, người mua hiện không còn hoài nghi nhiều về thị trường mà đã chấp nhận xuống tiền với những dự án có tiến độ ổn định, giá cả hợp lý và có nhiều ưu đãi lãi suất.
Nắm bắt được tâm lý chung của khách hàng, trong tháng 4, rất nhiều các dự án từ Nam chí Bắc đã đồng loạt mở bán, bao gồm cả các đợt kế tiếp của các dự án đã từng bán ra thị trường và cả các dự án mới.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tại Hà Nội, 2 dự án tại quận Thanh Xuân chào bán trong tháng 4 là Spring Home (đường Lê Trọng Tấn) và Hei Tower (số 1, Ngụy Như Kon Tum). Một dự án giá rẻ khác cũng đã tham gia thị trường là chung cư CT6 Đặng Xá, Gia Lâm. Bên cạnh đó, các dự án khác như chung cư cao cấp Watermark Hồ Tây, dự án CT3 Cổ Nhuế, chung cư Golden Palace Mễ Trì, Rainbow Linh Đàm… cũng được tiếp tục mở bán.
Thị trường Tp.HCM có sự góp mặt của các dự án như TDH - Trường Thọ, Nhất Lan 3, The Eastern (Quận 9), 50 căn hộ cuối của cao ốc An Bình…
Một số dự án tại Bình Dương cũng tham gia thị trường trong tháng 4 này như Dự án Tokyu Bình Dương, BenCat Center City, Sora Gardents… Đà Nẵng cũng chào bán 2 dự áncăn hộ là Khu đô thị số 3 - Dự án Nam Đà Nẵng và cao ốc Azura.
Đi kèm với sự nhộn nhịp từ các dự án mở bán, tháng 4 chứng kiến khá nhiều giao dịch thành công ở nhiều phân khúc.
Tại Hà Nội, thị trường BĐS đang “ấm” dần lên, đặc biệt giao dịch tốt ở các dự án đang xây dựng, chủ đầu tư uy tín, giá hợp lý khoảng dưới 20tr/m2 thuộc khu vực phía Tây. Tình hình giao dịch tốt không chỉ diễn ra ở các dự án giá rẻ, sốt trong 1 thời điểm như Đại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ vào 1-2 tháng trước.  Các dự án căn hộ bán tốt trong tháng qua có thể kể đến như: 34 Cầu Diễn, Mỹ Đình Plaza, CT2 Trung Văn - Vinaconex 3, Hồ Gươm Plaza, C14 Lê Văn Lương, Thủy Lợi Tower... Ngoài ra, dự án Spring Home trong tháng 4 cũng bán được tới hơn 90 căn. Dự án chung cư điện lực Hei Tower cũng đã bán được 2/3 chỉ tiêu đặt ra. Chung cư CT6 Đặng Xá sau 5 ngày mở bán đã bán được khoảng 1/3 số căn hộ trong đó loại diện tích 46,9m2 được khách hàng quan tâm nhiều nhất…
Không chỉ dừng lại ở các dự án bình dân mà ngay cả phân khúc căn hộ cao cấp cũng có giao dịch khá tốt. Điển hình trong tháng này là dự án chung cư cao cấp Watermark Hồ Tây, Dự án Golden Palace Mễ Trì ngay trong ngày mở bán 24/4 vừa qua cũng đã giao dịch thành công 20 căn.
Ở phân khúc biệt thự, liền kề, với những khu chưa có người ở như thì vẫn im ắng về giao dịch. Tuy nhiên, với các dự án đã vào ở được như Trung Văn, Khu Đô Thị Mỗ Lao,Văn Khê, Làng Việt Kiều Châu Âu... thì thị trường vẫn có thanh khoản, giao dịch khá hơn so với thời gian một vài tháng trước, giá giao dịch cũng giảm khoảng 5-10% so với thời điểm cuối năm 2012.
Đất dịch vụ tại Dương Nội, La Khê… với diện tích 50m2, giá từ 800 triệu – 1,5 tỷ, do phù hợp với nhu cầu của nhiều người nên cũng đã bắt đầu có giao dịch trở lại.
Tại Tp.HCM, một số dự án có giao dịch khá nhộn nhịp trong tháng 4 như: Dự án 4S Riverside Linh Đông chỉ hơn 1 tháng chào bán đã hết hàng; Căn hộ Nhất Lan 3, quận 1 và dự án Happy Valley đều đã bán được 80%. Chỉ sau 2 tháng công bố bán, dự án MB Babylon cũng đã giao dịch thành công 200 căn hộ, trong đó 90% có nhu cầu ở thực. Một số dự án khác như: Tropic Garden, dự án căn hộ TDH Trường Thọ, dự án Era Town hay Sunrise City.. cũng có tên trong danh sách những dự án bán tốt nhất trong tháng 4.
Ở phân khúc đất nền nhà phố, những dự án bán tốt cũng là những dự án dưới 1,5 tỷ như: Phú Mỹ, Đại Phúc (quận 7); khu Lê Văn Lương, Nhà Bè, Trung Sơn Đại Phúc… Trong đó, khách hàng mua chủ yếu có nhu cầu ở thực, không có những người mua để đầu tư như trước.
Tại một số tỉnh, thành có thị trường BĐS khá phát triển như Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa…, tình hình hình giao dịch cũng tương đối khả quan, đặc biệt là ở phân khúc đất nền.

Tâm lý người mua BĐS đã được cải thiện đáng kể trong tháng 4.

Tại Đồng Nai, một số dự án đất nền đang có thanh khoản rất tốt như KĐT Lavender Đồng Nai, đất nền Tam Phước, dự án Biên Hòa Dragon City... Đặc biệt là dự án Lavender, với giá bán 186-230 triệu đồng/nền, diện tích 75-100m2, ngay giai đoạn 1 bán hết 80-90% sản phẩm; giai đoạn 2 từ cuối tháng 3 đến nay đã bán được trên 100 nền. Nguyên nhân khiến dự án đất nền này gây “sốt” là do giá rẻ, pháp lý tốt (có sổ đỏ hết) và cơ sở hạ tầng cũng đã hoàn thiện.
Tại Đà Nẵng, Dự án căn hộ Azura Đà Nẵng đang được khá nhiều người quan tâm, tập trung ở loại diện tích 99, 107 và 114m2. Ngoài ra,chung cư Nest Home Đà Nẵng là dự án nhà ở xã hội, được nhà nước trợ giá cũng được nhiều người tìm mua, riêng trong tháng 4 bán được 50 căn. Dự án Fusion Suites Đà Nẵng Beach cũng bán được 15 sản phẩm trong tháng này. Riêng đất nền dự án Điện Nam Điện Ngọc thì đã bán hết.
Có 2 dự án mở bán tại Bình Dương trong tháng này là Sora Garden và Tokyu Bình Dương cũng có kết quả giao dịch rất khả quan. Đặc biệt, dự án Bến Cát Center City cũng đang bán rất tốt với khoảng 20 giao dịch thành công trong 1 tuần.
Riêng tại Khánh Hòa, đất nền dự án Golden Bay (Cam Ranh) đã tạo thành “hiện tượng” với hơn 1000 nền đất được bán hết trong vòng 2 tháng.
Như vậy, so với tháng 3, thị trường BĐS đã có những tín hiệu tích cực rõ rệt, thậm chí, lượng giao dịch thành công còn tăng cao hơn cả thời điểm ngay sau Tết Nguyên Đán –  vốn được cho là có những diễn biến rất tốt trong năm. Ông Phạm Vũ, Phó phòng kinh doanh công ty Bất Động Sản Phùng Khoang, cho biết: “Thị trường đang bước vào chu kỳ ổn định, mặt bằng giá đang tiếp tục được điều chỉnh về mức hợp lý hơn, nguồn cung cũng đã bám sát nhu cầu hơn so với trước đây nên người mua có thể dễ dàng tìm được sản phẩm vừa ý. Dự kiến, từ nay tới cuối năm, những dự án có giá từ 13-18 triệu đồng/m2, tiến độ xây dựng tốt sẽ tiếp tục được nhiều khách hàng đón nhận. Do đó, các doanh nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt tâm lý người mua để đưa ra những sản phẩm phù hợp”.
Còn ông Nguyễn Thái Phong, Giám đốc công ty Bất động sản Ngũ Hành thì cho hay: “Những chính sách về hỗ trợ thị trường của nhà nước dù chưa tác động gì nhiều tới thị trường nhưng cũngđang được rất nhiều khách hàng quan tâm. Khách hàng đang có những động thái tìm hiểu các dự án được nhà nước hỗ trợ vốn trong gói hỗ trợ 30000 tỷ của BIDV.
Về lãi suất, khi ngân hàng đã giảm đầu vào thì nhu cầu gửi tiền trong ngân hàng không còn cao nữa, do gửi tiết kiệm không còn sinh lời như kỳ vọng của mọi người mà giá bất động sản đang thấp thì dòng tiền bắt đầu chảy sang thị trường bất động sản. Ban đầu điểm đến sẽ là những dự án giá rẻ rồi đến những dự án bán cắt lỗ, vị trí tương đối đẹp đã có những giao dịch, tiếp đến là những chủ đầu tư có uy tín dự án mới mở bán vị trí đẹp giá hợp lý...”
Sau những tín hiệu khởi sắc rõ rệt trong tháng 4, kỳ vọng thị trường BĐS sẽ ấm hơn trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở.
 (Theo Batdongsan)

 

 

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

KĐTM Nam Vĩnh Yên được "rót" thêm vốn

Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) vừa công bố nghị quyết đại hội cổ đông bất thường về việc phát hành cổ phiếu để... thumbnail 1 summary
Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) vừa công bố nghị quyết đại hội cổ đông bất thường về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho công ty từ 1.430 tỷ đồng lên 1.560 tỷ đồng. Theo đó, DIC Corp sẽ phát hành 13 triệu cổ phần dành cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Thời gian phát hành dự kiến vào quý 2 và quý 3/2013. Số tiền thu được từ đợt phát hành khoảng 130 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên. Được biết, dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên có diện tích 446,92 ha thuộc địa phận thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án đã được tổ chức động thổ vào tháng 12/2009, hiện đang tiến hành xây dựng giai đoạn 1.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Cà Mau: Người dân mua mặt nước để… làm nhà

Có giàu tưởng tượng đến đâu, những nhà kinh doanh bất động sản cũng ... thumbnail 1 summary

Có giàu tưởng tượng đến đâu, những nhà kinh doanh bất động sản cũng không thể ngờ tại một vùng sông nước Cà Mau, mọi giao dịch bất động sản lại diễn ra khi hoàn toàn không có… cục đất nào.

Nền nhà là một khoảnh nước mênh mông có giá từ 20 đến 40 triệu đồng. Dĩ nhiên, chuyện giao dịch không thông qua chính quyền và hầu hết người mua, kẻ bán đều không có cục đất chọi chim.

Cục đất chọi chim… chọi đi rồi

Là cửa biển sầm uất nhất ĐBSCL, thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) là nơi tập trung ngư dân từ mọi miền đất nước. Thanh niên trai tráng về đây hành nghề đi biển, giăng câu, bủa lưới. Phụ nữ trẻ em cũng theo về mua bán, làm công cho những chủ vựa cá tôm. Họ bám theo 2.300 con tàu đánh bắt thuỷ sản của thị trấn và trên 4.500 tàu cá từ các tỉnh thường xuyên ra vào cửa biển. Cách đây 30 năm, ông Lê Văn Tư  bỏ lại 7 công ruộng tại xã Xỉ Liêu (huyện Gò Quau, tỉnh Kiên Giang) cùng vợ về Sông Đốc sinh sống. Do có nghề câu cá ngát, nên vợ chồng ông Tư sống lênh đênh trên chiếc xuồng câu, tấp vô là bờ, lấy xuồng làm nhà. Những đứa con ông Tư cũng lần lượt ra đời và lớn lên trên chiếc xuồng câu ấy. Năm 1995, ông Tư trở về quê Gò Quau bán 7 công đất mua cái nền dựng nhà tại thị trấn Sông Đốc.

Khoảnh nước còn trống này được kêu bán với giá 40 triệu đồng.

Sau cơn bão số 5 (1997), xuồng câu bị sóng đánh tan tành, căn nhà chỉ còn trơ lại cái nền đất. Ông Tư quyết định bán đất để mua xuồng tiếp tục hành nghề giăng câu. Còn dư một số tiền, ông về  “xóm liều”, thuộc khóm 2, thị trấn Sông Đốc mua một mặt nước 4m x 20m với giá 5 triệu đồng dựng lên căn nhà ở. Ông thở dài: “Hồi trước mới có giá đó, còn bây giờ mặt nước như vầy phải đến 20 triệu lận đó. Nước mênh mông vậy nhưng có chủ hết rồi, muốn dựng nhà cao cẳng lên phải sang lại người ta...”.  Xa quê hơn 30 năm, nhưng ông Tư chưa bao giờ có ý định quay về. Ông ngậm ngùi: “Bây giờ mình về quê biết làm gì sống vì không còn đất đai, nghề nghiệp. Ở đây dù còn khó khăn, nhưng con cá, con tôm dưới sông cũng còn nuôi mình được hằng ngày”.

Bà Phạm Phương Loan - 44 tuổi, quê Bến Tre, hàng xóm của ông Tư - nghe chuyện than thở: “Mấy rày cái hàng ba của tui nó bị hư mà chưa làm lại được nè”. “Hàng ba” nhà của bà Loan là một khoảng nước trắng tươi, chiếc cầu thang đã mục, con chó phèn đang nằm dài quẫy đuôi. Chỉ khoảnh nước còn trống trước mặt, chị Loan nói vu vơ: “Phải chi có tiền tui mua lại miếng đất này (30 triệu) để dựng lên cái nhà, và làm đường đi cho nó đàng hoàng, để như vầy sợ mấy đứa nhỏ nó chạy tới chạy lui rớt xuống sông chết bất đắc kỳ tử”.

“Xóm liều” bất đắc dĩ

Ông Tư, bà Loan là một trong 360 hộ sống tại “xóm liều cây gòn” thuộc khóm 2, thị trấn Sông Đốc. Cả xóm chẳng có cục đất nào nên họ phải đóng cọc, dựng nhà sàn cách mặt nước hơn 1 mét và cách bờ sông đến vài chục mét. Họ sống biệt lập với những người dân trong bờ. Đến mùa nước nổi, những cư dân “xóm liều ” co ro trong căn nhà của mình. Những vật dụng trong nhà cứ kê nới lên cao, cho đến khi nào không còn kê được nữa họ mới chịu vào bờ.

Ông Hoàng Anh Tuấn - người có hơn 20 năm sống ở xóm này - tóm tắt lịch sử cái xóm có tên rất kỳ cục này: Trước cơn bão số 5 năm 1997, xóm chỉ có hơn 10 căn nhà thôi. Họ chủ yếu là những người không đất, không đủ tiền mua nổi cái nền để cất cái nhà làm chỗ chui ra chui vào. Bỗng dưng sau cơn bão có rất nhiều người không nhà nên họ ra đây sinh sống, rồi thành nên xóm, nên làng như bây giờ. Sở dĩ có tên “xóm liều” vì người dân ở đây liều mạng với sóng nước, với những đợt triều dâng làm trôi hết vật dụng trong nhà.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, ngoài “xóm liều”, ngoài chóp mũi của cửa biển này còn một xóm nữa mà muốn tới chỉ có cách duy nhất là thuê đò. Trả cho anh lái đò dọc 200.000 đồng với điều kiện chờ rước về, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ, tôi mới ra tới xóm liều khóm 7, thị trấn Sông Đốc ngoài cửa biển. Toàn bộ xóm này có khoảng chừng 50 hộ gia đình sinh sống, chủ yếu là những trạm thu mua cá, tôm, tiệm tạp hoá, cây xăng và đặc biệt là thu mua đẻn biển.

Anh Nguyễn Văn Công - làm nghề thu mua loại bò sát độc hại nhất của biển này hơn 7 năm - căn dặn: “Các anh không quen nên đừng đụng chạm vào chúng nghen, nó độc lắm đó”. Đẻn biển được các tàu đánh bắt chở vào tập kết ngoài “xóm liều”  trước khi được đóng thùng chở vào đất liền lên xe đi xuất khẩu. Theo anh Công, nghề thu mua đẻn biển chỉ thích hợp ở ngoài khơi này thôi, trong đất liền người ta sợ lắm.

Xóm có vài quán nước giải khát kiêm luôn karaoke, quán ăn và có cả bia, rượu. Bà chủ quán tên Chi - năm nay đã ngoài 50 - vừa làm thức ăn vừa kể: “Tôi quê tận miệt Đồng Tháp, cái nghèo đẩy gia đình tôi trôi xuống miệt biển này mưu sinh. Cũng cái nghèo nó đẩy tui sống giữa sông như vầy. Được cái là cả xóm chỉ có vài quán, mình mua bán vui vẻ nên hai bữa cơm qua ngày không phải lo”. Để có một chỗ sống chênh vênh ngoài khơi, xa đất liền như “xóm liều” này không phải dễ. Họ phải mua lại của người khác bởi tất cả đều có chủ hết. Một diện tích mặt nước vừa đủ dựng lên một cái nhà ở “xóm liều” có mức giá từ 40 đến 60 triệu đồng. Để làm được thành cửa, thành nhà cần rất nhiều cây, vừa đóng cọc vừa làm sàn. Theo bà Chi, cũng tròm trèm 100 triệu đồng, bà mới có được nhà ở như hiện tại.

Ở đây mỗi người một hoàn cảnh. Như chị Hồng, chồng chết từ cơn bão số 5, một mình ra ngoài này sinh sống bằng nghề làm móng tay, móng chân cho các chị em phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Thanh theo chồng ra đây sinh sống, mang theo đứa con 8 tuổi chưa đến trường bao giờ, suốt ngày chạy tung tăng ngoài cầu thang, leo từ nhà này qua nhà khác. Tôi ái ngại đi dọc theo những chiếc cầu nối liền nhà này qua nhà kia tạo thành xóm và không khỏi nghĩ đến bọn trẻ. Nhưng bà Chi cười vô tư: “Trời ơi, trẻ con té sông là chuyện thường ngày. Té xuống thì có người vớt lên, có gì đâu mà lo”.

Xa lắc chuyện lên bờ

Hai năm trở lại đây, người dân không dám cất nhà ở tại những “xóm liều” nữa, do hầu hết diện tích tăng thêm đều nằm ở những bãi nước sâu, khó xây cất, trong khi giá sang bán mặt nước đã đắt đỏ hơn và chính quyền địa phương cũng ngăn cản, không cho mở rộng những xóm làng chênh vênh sóng nước như vậy nữa. Thật ra, huyện Trần Văn Thời đã có dự án di dời dân từ dưới sông lên bờ từ cách đây 5 năm. Đó là khu tái định cư thuộc khóm 6 của thị trấn.

Ông Từ Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc - trần tình: “Để người dân sống bờ không ra bờ, sông ra sông, cù lao chẳng phải cù lao như vậy, chúng tôi rất xót. Trước đây chúng tôi có quy hoạch di dời người dân vào bờ một cách an toàn, nhưng hầu hết không chịu di dời do họ không có công ăn việc làm nơi ở mới. Chúng tôi dù có nỗ lực đến đâu cũng chỉ lo được nhà ở cho dân, còn chuyện việc làm, thu nhập hằng ngày không thể chu cấp mãi. Những người dân ở hai “xóm liều” này đã quen bám vào cửa biển, con sông kiếm sống. Lên bờ có nhà ở, nhưng không nghề nghiệp khác nào quẳng họ vào căn nhà rồi đóng sập cửa lại...”.

Tương tự, ông Ngô Minh Chiến - Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời - nói: “Chúng tôi sẽ dành phần đất thích hợp để xây nhà ở xã hội cho người dân không đất, thiếu đất và di dời người dân ở ven sông, xa bờ sông, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuy nhiên, cái khó hiện tại của chúng tôi là nguồn vốn để xây dựng và tạo công ăn việc làm cho những người dân khi lên bờ. Bởi không có việc làm, không có thu nhập ổn định người dân sẽ khó chấp nhận ở trong những căn nhà xã hội.

Thị trấn Sông Đốc đã được công nhận là đô thị loại IV. Cà Mau đang phấn đấu để thị trấn miền biển này trở thành đô thị loại III (tương đương với thị xã). Những tính toán cho thị trấn trẻ miền ven biển này đang được chú ý đến. Trong quy hoạch, vẫn dành chỗ cho những người sống ở những xóm liều, những cư dân lấn chiếm đê điều làm nhà, mua bán. Dù vậy, tất cả chỉ mới dừng lại ở quy hoạch, dự án. Chuyện “lên bờ” của những cư dân nơi đây xem ra vẫn còn xa lắm!
(Theo Lao động)